Lịch sử Các trận địa bãi cọc trong lịch sử Việt Nam

Thời Ngô Quyền

Tướng Kiều Công Hãn được cho là người đã đưa ra sáng kiến đầu tiên dẫn đến việc Ngô Quyền cho đóng cọc chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng trong trận đánh năm 938.[3][4] Ông đã khuyên Ngô Quyền rằng:

Nam Hán là một đất nước nhỏ ở vùng duyên hải, nhân lúc nhà Đường tan rã mà nổi lên chiếm một vùng đất ở phía Đông Nam, dựng thành đất nước, quân đội mạnh về thủy chiến. Nếu sang nước ta, tất chúng sẽ lấy đường biển mà tiến, qua sông Bạch Đằng vào Đại La. Ta nên bày trận đánh ngay khi chúng mới vào cửa sông Bạch Đằng.[4]

Ông đã cho xây dựng các bãi cọc gần cửa sông để chặn đường vào của giặc ngay tại cửa biển. Để bãi cọc hoạt động, công việc tiếp theo cần làm là phải dụ được giặc vào trong trận địa này. Nguyễn Tất Tố được nhận trọng trách này, ông giỏi bơi lội và là người hiểu rõ về sông Bạch Đằng.[4]

Sách sử có chép một câu nói của ông rằng:[4]

Vùng sông nước này tôi rất quen thuộc, biết được khi nào nước lên nước xuống. Nay muốn giặc vào bẫy, chỉ có cách là dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến, lựa đúng thời khắc thích hợp thì vờ thua rút chạy.

Ông cho một con thuyền nhỏ ra giữa sông khiêu chiến giặc. Mọi chuyện đã diễn ra như dự đoán, ngay khi Nguyễn Tất Tố rút lui, tướng địch là Lưu Hoằng Tháo đã ngay lập tức thúc cho quân nhanh chóng đuổi theo sau.[4]

Vừa lúc địch đến cửa sông, quân Việt từ hai bên bờ lao ra tấn công quyết liệt, địch bỏ chạy. Vào đúng thời điểm này, thủy triều đang rút xuống nhanh, bãi cọc ngầm dưới sông Bạch Đằng nhô lên, đâm thủng và làm vỡ thuyền Nam Hán. Quân Việt nhân cơ hội đó đánh dồn dập và giành chiến thắng.[4]

Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép:

Vua Nam Hán điều quân viện ứng đóng tại biên giới không kịp trở tay. Nghe được tin Lưu Hoằng Tháo tử trận, Nghiễm kinh hoàng, thương khóc thu gom quân còn lại rút lui, từ đó dứt bỏ mộng xâm lược nước ta.[4]

Thời Tiền Lê

Dưới triều đại nhà Tiền Lê, vua Lê Đại Hành đã chỉ huy kháng chiến trên sông Bạch Đằng và một số sông khác để đối phó với thủy quân nhà Tống trong chiến tranh năm 981.[5] Một số nghiên cứu cho thấy có thể đã có 2 trận thủy chiến sông Bạch Đằng trong năm 981. Trong đó có tranh cãi về kết quả của trận đánh đầu tiên cũng như sự tồn tại của trận đánh thứ hai. Theo Khâm định Việt sử Thông giám cương mục thì trận đầu tiên Đại Cồ Việt đã thất bại,[6] trong khi đó, Đại cương lịch sử Việt Nam tập I thì lại chép rằng Đại Cồ Việt đã thắng và đạo thủy quân Tống bị đánh tan.[7]

Thời Trần

Tranh vẽ trận Bạch Đằng 1288.

Trong Chiến tranh Nguyên Mông–Đại Việt lần 3 năm 1288 dưới thời nhà Trần, cũng với kế đóng cọc này, quân dân Đại Việt đã thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ ba trong lịch sử và được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, và là thắng lợi tiêu biểu nhất của Đại Việt trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Có ý kiến cho rằng, ngay từ khi nhận chức Tiết chế ở Bình Than, Trần Quốc Tuấn đã theo kế của Ngô Quyền, muốn ngăn quân địch tiến vào bằng cọc nhọn ở sông Bạch Đằng. Số cọc nhọn làm năm 1288 chỉ là số bổ sung thêm.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Các trận địa bãi cọc trong lịch sử Việt Nam //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201904/di-tich-... http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/dan-va-nguoi-qn... http://www.haiphong.gov.vn/Portal/Detail.aspx?Orga... http://khaocohoc.gov.vn/khai-quat-bai-coc-cao-quy-... http://www.quangyen.vn/tintuc/71-765/di-tich-bach-... https://vnexpress.net/du-lich/di-tich-bai-coc-bach... https://vnexpress.net/thoi-su/bai-coc-cao-quy-mo-r... https://vnexpress.net/thoi-su/de-xuat-cong-nhan-ba...